Lâu nay, chúng ta học và áp dụng tử vi rất hay sử dụng ngũ hành. Vậy áp dụng thế nào cho đúng, cho chuẩn.
Xét trong môn tử vi, ngũ hành xuất hiện khắp nơi. Ngũ hành sao, ngũ hành cung, ngũ hành cục, ngũ hành tam hợp cục, ngũ hành mệnh.
Việc so sánh các ngũ hành này cũng áp dụng vô tội vạ. Cứ thấy 2 cái gì có ngũ hành là cũng so với nhau xem sinh hay khắc, từ đó lại sinh ra loạn.
Để làm rõ lại 1 số điểm, tôi phân tách 1 số thứ để sau này chúng ta áp dụng đỡ bị “vô tội vạ”.
1. Ngũ hành đơn và ngũ hành kép.
Trong tử vi có ngũ hành đơn bao gồm ngũ hành của can, chi, cung, sao.
Còn ngũ hành kép là ngũ hành của mệnh, cục.
Ngũ hành kép tức là ngũ hành nạp âm, được xét dựa trên nạp âm của Lục Thập Hoa Giáp. Tức là những ngũ hành dạng như Lộ Bàng Thổ, Kiếm Phong Kim…. Trong tử vi xuất hiện ở ngũ hành cục và ngũ hành mệnh.
Và ta cũng chỉ nên so sánh 2 thứ này với nhau. Mệnh sinh cục hay mệnh khắc cục…. Kĩ hơn chút nữa thì xét mệnh đi đến các cung vận, gặp ngũ hành cục cung vận thì như thế nào.
Tuyệt đối không nên so sánh ngũ hành mệnh, cục với các ngũ hành đơn (can, chi, cung, sao) sẽ bị loạn và không chính xác.
2. Ngũ hành sao là vật liệu hay loại công cụ?
Tôi đi đến vấn đề quan trọng hơn. Chúng ta rất hay xét bừa bãi ngũ hành sao, so sánh tương tác của chúng với nhau. Nhưng rồi hay bị vướng và thắc mắc về việc ngũ hành các sao khắc nhau chan chát, mà kết hợp lại vẫn miếu vượng, hoặc tạo thành cách cục đẹp.
Đó là do chúng ta đang hiểu sai bản chất.
Tôi lấy 1 minh hoạ trước cho dễ hiểu:
Cái kéo là 1 công cụ, nhiệm vụ của nó là để cắt.
Gậy là 1 công cụ, nhiệm vụ của nó là để đập.
Kéo và gậy có thể làm bằng nhiều vật liệu khác nhau như thép, vàng, đồng, gỗ…
Khi so sánh tương tác, chúng ta so sánh vật liệu, ví dụ vàng mềm không bị axit hoà tan. Thép cứng nhưng bị oxi hoá. Gỗ cứng nhưng dễ gia công, dễ cháy…
Nếu ngũ hành sao trong tử vi là ngũ hành “vật liệu”, thì ta có thể thoải mái xét tương tác giữa các sao. Lúc đó tôi không quan tâm sao X là kéo, gậy hay bát, miễn nó làm bằng vàng thì nó mềm, nó làm bằng gỗ thì nó dễ cháy.
Đó là cách chúng ta lâu nay vẫn áp dụng. Các sao hành Mộc thì đều sinh Hoả, đều bị Kim khắc. Vì chúng ta đang xem 5 ngũ hành sao là 5 loại “vật liệu” khác nhau.
Nhưng thực ra, cách áp dụng đó là SAI.
Ngũ hành sao dựa trên tính chất, công dụng, biểu hiện của sao. Hay nói chính xác hơn, 5 ngũ hành sao là 5 loại “công cụ”.
5 nhóm “công cụ” này có 5 nhiệm vụ khác nhau, từ đó cũng định ra 5 tính chất khác nhau. 5 nhóm tính chất này thiên về ứng dụng thực tế.
- Hành THỔ được chọn làm chuẩn mực của cái tốt, của quý nhân, có quyền năng cứu giải đặt lên các hành khác.
Tử Vi Thiên Phủ Lộc Tồn, và những sao này không bao giờ hãm địa. Cát tinh thường thuộc Thổ.
Sao hành thổ khi xấu là sự u mê, tối tăm. Như sao Thai.
- Hành HỎA là hành đại diện cho sát tinh, tàn phá, khắc nghiệt, giết chóc.
Các hung sát tinh hạng nặng phần nhiều là hành hoả.
Sao hành hoả khi tốt là sáng lập, dẫn đầu, mạnh mẽ, quyết liệt, tính năng động. Sao hành hoả khi tốt chủ lễ nghĩa.
- Hành MỘC được chọn cho nhân từ cứu giải.
Thiên Lương được chọn cho hành mộc với ý nghĩa thầy thuốc nhà giáo nhân hậu cứu khổ cứu nạn.
Sao hành Mộc khi xấu, thể hiện hao bại tinh, tuy nhiên không quá mạnh, ý nghĩa không rõ ràng. Thường sao hao bại tinh không đủ mạnh xếp vào hành khác thì xếp vào hành Mộc.
- Hành THỦY được chọn cho suy bại bệnh tật hao mòn hoang hủy.
Các sao thuộc thủy đều ám tàng bệnh tật và sự phá hoại kiểu rút ruột ăn chơi dâm dật, bệnh tật ăn dần ăn mòn cơ thể.
Tham Lang được Thái Thứ Lang chủ động lựa chọn hành thủy với ý nghĩa ăn chơi sa đọa. Sao hành Thuỷ khi tốt thì cũng mang ý nghĩa tu hành, phiêu đãng, hoặc sinh lực bất tận.
- Hành KIM được chọn cho khó khăn vất vả kinh tài buôn bán.
Sao hành Kim thể hiện các tai hoạ thực tế, sự vất vả. Nhưng cũng thể hiện tiền tài. Đều là những thứ thực tế, chân thực, gắn liền với cuộc sống hằng ngày, rõ ràng, dễ thấy.
Như ta đã thấy. 5 nhóm ngũ hành thiên về ứng dụng thực tế. Cái kéo là cái kéo, dùng để cắt. Kéo bằng thép, vàng hay nhôm cũng đều cắt được. Cái gậy dù làm bằng gỗ, sắt hay đá cũng dùng để đập được.
Và vì chúng ta không biết cái “vật liệu” tạo nên sao là cái gì. Thì chúng ta không nên so sánh ngũ hành sao với 1 cách loạn xạ. Sẽ không chính xác.
Lúc đó chúng ta sẽ bị vướng, không giải thích được tại sao Liêm Trinh đi với Thiên Tướng là hoả và thuỷ mà vẫn miếu vượng, mà lại miếu vượng ở cả 2 cung Tý, Ngọ.
Giống như việc đưa chúng ta 1 cái kéo, chưa biết “vật liệu” của nó thì chưa kết luận được kéo có bị axit ăn mòn hay không.
Việc so sánh, kết hợp sao chỉ nên dựa vào cách cục và tính chất sao, không nên dùng ngũ hành. Càng không nên so sánh ngũ hành sao với ngũ hành cung, cục, mệnh….
Không có nhận xét nào: